Theo đại diện UNICEF Việt Nam, các hoạt động cộng đồng hướng đến hỗ trợ trẻ em thường nhận sự quan tâm lớn từ chính phủ và xã hội. Các dự án này cũng thường có sự đồng hành, hỗ trợ từ các tổ chức uy tín toàn cầu. Nhờ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa các trợ lực này, biến thách thức thành cơ hội trên hành trình theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều nhà đầu tư cho biết thay vì các chỉ số tài chính truyền thống, họ ngày càng coi trọng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá tiêu chí ESG, đặc biệt là các doanh nghiệp hướng đến trẻ em.
Bà Hà Đỗ, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững KPMG Việt Nam và Campuchia, cho biết trong khoảng hai năm nay, đơn vị nhận được yêu cầu kiểm tra nhà cung cấp từ nhiều công ty đa quốc gia. Theo đó, đơn vị nào không đáp ứng việc thực hành các nguyên tắc về quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI xác định hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững là phải mang lại lợi ích cho mọi người, bao gồm cả trẻ em.
Trước yêu cầu cần hành động mạnh mẽ hơn với các chương trình cộng đồng, xã hội liên quan đến trẻ em, nhiều doanh nghiệp chọn tham vấn các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này để xây dựng chiến lược kinh doanh, đơn cử có Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Tổ chức có sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến trẻ em.
Những năm qua, UNICEF hợp tác với các doanh nghiệp, huy động nguồn lực và phát huy ưu thế của mỗi bên trong việc triển khai các chương trình bền vững, lâu dài. Tổ chức này cũng đang thu hút cộng đồng doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, thúc đẩy quyền trẻ em thông qua việc bổ sung kiến thức, tăng cường năng lực, thực hiện các cam kết được nêu trong “Quyền trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh”.
Cụ thể, UNICEF Việt Nam đã hợp tác cùng công ty đa quốc gia Johnson & Johnson nhằm nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Công ty ký kết thỏa thuận hợp tác với tổ chức để tăng cường giáo dục âm nhạc cho trẻ em châu Á, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em. Đồng thời, đơn vị còn có các hoạt động hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến năm 2025.
Gần đây nhất là việc hợp tác chiến lược dài hạn giữa UNICEF với Masterise Group nhằm triển khai dự án “Innovation for Children – Sáng kiến thay đổi tương lai”. Dự án hướng đến cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng giáo dục qua việc giới thiệu và áp dụng các giải pháp công nghệ như Thư viện số toàn cầu hay Nhà vệ sinh không phát thải… cho trẻ em Việt.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết việc lồng ghép quyền trẻ em vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm là việc nên làm. Đây còn là công cụ hiệu quả cho quá trình ra quyết định cân nhắc đến các yếu tố về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), giúp các doanh nghiệp kiến tạo tương lai bền vững.
Hai năm nay, Việt Nam ghi nhận mức sinh giảm, ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số. Nhóm dân số trong độ tuổi lao động giảm làm tăng nhanh quá trình già hóa. Theo đó, việc đầu tư vào thế hệ trẻ em ngày càng được chú trọng. Đây sẽ là lực lượng lao động thay thế có năng lực cho xã hội. Đồng nghĩa với việc đầu tư vào trẻ em là đang rót vốn vào tương lai của doanh nghiệp.
Đồng hành cùng họ, trước đó chính phủ đã phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025. Doanh nghiệp có thể dựa trên bộ tiêu chuẩn, tuân thủ các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh, đón đầu các cơ hội hút dòng vốn xanh từ thế giới.
Là một trong những tổ chức quốc tế đồng hành cùng các doanh nghiệp nội địa, UNICEF cho rằng thực hành ESG hiệu quả với các tiêu chí liên quan đến trẻ em sẽ mang lại nhiều lợi ích về mọi mặt.
“Với sự chung tay của chính phủ, xã hội cùng các tổ chức uy tín, có kinh nghiệm như UNICEF, đầu tư vào trẻ em thông qua chiến lược phát triển bền vững có thể giúp doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh thông minh, mang lại nhiều lợi ích dài hạn”, đại diện UNICEF nêu.