Ngày 27/4, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post – mãVTP) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất là 13.189 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 370 tỷ đồng. Năm 2024, Viettel Post tiếp tục định hướng thu hẹp mảng bán hàng (sim thẻ điện thoại) để tập trung vào các mảng chuyển phát và logistics có biên lợi nhuận tốt hơn. Tổng công ty cho biết việc thu hẹp này có ảnh hưởng không đáng kể tới lợi nhuận theo số tuyệt đối và sẽ giúp cải thiện tỷ lệ biên lợi nhuận chung. Năm nay, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu lĩnh vực chuyển phát và logistics đạt 9.147 tỷ đồng, tăng 33,3% so với 2023.
Với mục tiêu tiên phong trong việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng logistics thông minh, xanh và hiệu quả, Viettel Post đang nỗ lực triển khai quy hoạch hạ tầng logistics bao gồm công viên – trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn để kết nối vùng miền nuôi trồng, khu công nghiệp với các hub giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển và hệ thống cửa khẩu nhằm giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh và chi phí thấp nhất.
Quý đầu năm 2024, Viettel Post ghi nhận kết quả khả quan, đặc biệt là các mảng dịch vụ với doanh thu chuyển phát đạt 1.853,2 tỷ đồng, tăng trưởng 53,6% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu từ mảng logistics đạt 222,8 tỷ đồng, tăng trưởng 31,6% so với quý 1/2023. Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 73,6 tỷ đồng, vượt 13,2% kế hoạch đề ra.
Mục tiêu gấp 10 lần doanh thu sau 5 năm
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tầm nhìn 2024-2029, Tổng giám đốc Viettel Post ông Hoàng Trung Thành cho biết mục tiêu này mang tính khát vọng và tầm nhìn để Viettel Post không ngừng phát triển và nâng cao vị thế trong 5 năm tới. Mục tiêu và khát vọng của Viettel Post là 5 năm nữa doanh thu của tổng công ty có thể lớn gấp 10 lần hiện nay. Mỗi năm ban lãnh đạo Viettel Post đều đặt ra mục tiêu cụ thể. “Năm 2024, mục tiêu doanh thu lĩnh vực chuyển phát và logistics của Viettel Post khi trình với cổ đông là tăng trưởng hơn 30% nhưng ban điều hành tự đặt mục tiêu tăng trưởng 45%. Đặt mục tiêu điều hành cao hơn là cách mà Viettel Post thực hiện hoá khát vọng của mình“, ông Thành chia sẻ.
Khi đánh giá thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các báo cáo cho rằng Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất khu vực ASEAN và là một trong những thị trường tăng trưởng TMĐT cao nhất thế giới, mỗi năm trung bình khoảng 30-35%. Nếu Viettel Post đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn thị trường, khoảng 50 – 55% thì sau 5 năm sẽ tăng gấp 10 lần.
Về mục tiêu tham vọng này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, Chủ tịch HĐQT Viettel Post ông Nguyễn Thanh Nam cho biết thêm, để duy trì được mức tăng trưởng và lợi nhuận kỳ vọng, Viettel Post sẽ cần phải đầu tư thêm. Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước, cộng hưởng với thế mạnh sẵn có của Viettel như nguồn lực tài chính, công nghệ, con người, Viettel Post hiện là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam đủ năng lực xây dựng các hạng mục chủ chốt cấu thành nên hạ tầng logistics quốc gia, như cửa khẩu thông minh, công viên logistics… “Nếu chúng ta làm những lĩnh vực mới, cơ hội là rất lớn. Nếu không làm, tăng trưởng chỉ ở mức trung bình, không đột phá“, ông Nam nhấn mạnh.
Về tính khả thi của mục tiêu gấp 10 lần doanh thu sau 5 năm, ông Nam cho rằng không khó. Tuy nhiên, một tiêu chí quan trọng cũng cần lưu ý là lợi nhuận. Sắp tới, Viettel Post đầu tư mạnh hơn cho cửa khẩu thông minh hay các hệ thống logistics quốc gia, lợi nhuận có thể giảm xuống vì thời gian đầu giá trị khấu hao sẽ cao. “Doanh thu tăng nhanh và lợi nhuận tăng chậm hơn là chuyện bình thường trong giai đoạn đầu đầu tư”, ông Nam chia sẻ. Vì vậy, Viettel Post phải cân đối để mục tiêu vẫn đứng trong top 1, top 2, top 3 ngành, nhưng lợi nhuận cần tăng trưởng hơn trung bình ngành, trả cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng.
Mục tiêu thị phần số 1, số 2 trong mảng hạ tầng logistics và chuyển phát
Chia sẻ về vấn đề cạnh tranh với các đối thủ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Nam cho biết, Viettel khi tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh, nghiên cứu đều xác định phải làm tốt nhất, đứng trong top đầu. Điều này thể hiện qua việc Tập đoàn đang đứng số 1 tại Việt Nam trong các lĩnh vực như viễn thông, an ninh mạng… Vì vậy, đối với ngành logistics, Viettel Post cũng đặt mục tiêu phải vươn lên vị trí số 1, số 2 trong các lĩnh vực cốt lõi như chuyển phát và chủ lực xây dựng hạ tầng logistics quốc gia.
“Phải đặt mục tiêu số 1, số 2 thị trường bởi về lâu dài sẽ không trụ nổi nếu chỉ đứng thứ 3, thứ 4”, ông Nam chia sẻ.
Phân phối lợi nhuận hài hoà lợi ích cổ đông và người lao động
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Viettel Post dự kiến sẽ trích 195,9 tỷ đồng tương đương 51,7% lợi nhuận sau thuế cho các quỹ: Đầu tư và phát triển; Khen thưởng phúc lợi; thưởng Ban Điều hành, ban kiểm soát và thành viên Hội đồng quản trị.
Việc tăng tỷ lệ trích lập đối với quỹ Khen thưởng phúc lợi đảm bảo việc khích lệ người lao động trong việc thực hiện các chương trình thi đua, kích thích hoàn thành kế hoạch năm với mức tăng trưởng cao. Đồng thời, đảm bảo chế độ, thu nhập của người lao động cao hơn mặt bằng chung các đối thủ cùng ngành nhằm thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, Viettel Post đang chuyển dịch các đối tượng từ thuê ngoài qua đối tác sang hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong năm 2024 (khoảng 9.000 người). Điều này giúp bưu tá yên tâm công tác, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Dự kiến năm 2024, tỷ lệ trích lập quỹ Khen thưởng phúc lợi sẽ ổn định, định mức chi cho phúc lợi không biến động lớn so với năm 2023.
Thêm nữa, Viettel Post sẽ dùng 182,6 tỷ còn lại sau khi trích các quỹ theo quy định, để chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 15% (01 cổ phiếu được 1.500 đồng). Điều này góp phần cân bằng lợi ích giữa cổ đông và người lao động.