Bộ trưởng Công Thương: Ủng hộ Bộ Y tế ‘cấm thuốc lá điện tử’

Trước khi trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói tối qua mới có thời gian “đọc lại nhiều lần” các câu hỏi của hơn 30 đại biểu, 4 người tranh luận chiều qua, để hiểu được hết ý. Ông mong được thông cảm vì “nhiều phần trả lời chưa đúng, chưa trúng, chưa hết, thậm chí vượt nội dung đại biểu yêu cầu”.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng huyết học – truyền máu Trung ương, tranh luận về vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết về các biện pháp phòng, chống buôn lậu và cách lấp khoảng trống pháp lý về thuốc lá mới hiện nay. Ông Trí nêu nghi vấn liệu việc đẩy lùi thuốc lá mới liệu có hiệu quả bởi tỉ lệ sử dụng ngày càng nhiều, kể cả tình trạng buôn bán.

Trả lời, Bộ trưởng Diên khẳng định từ trước đến giờ Bộ Công Thương luôn nhất quán quan điểm là cần bảo vệ sức khỏe người dân. Từ đó, Bộ đề nghị Chính phủ dừng thông qua Nghị định về thuốc lá thế hệ mới cho đến khi Bộ Y tế có đánh giá chính thức về tác hại của sản phẩm này.

Theo ông Diên, việc Bộ Công Thương làm Nghị định là trách nhiệm, “theo chỉ đạo của Chính phủ”, căn cứ vào Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chứ không phải “Bộ Công Thương thích làm việc đó”. Khi Bộ đang làm Nghị định thì có ý kiến của Bộ Y tế nên đã dừng và được Thủ tướng chấp nhận.

“Nếu Bộ Y tế khẳng định thuốc lá mới có hại cho sức khỏe đến mức cần phải cấm thì Bộ Công thương sẽ ủng hộ cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để sản phẩm này không được lưu hành”, ông Diên nhấn mạnh.

Một lần nữa nhắc lại thông tin đã nói chiều qua, ông Diên cho hay thuốc lá điện tử hiện còn nhiều khoảng trống pháp lý và đến nay Việt Nam chưa cấp phép cho đơn vị nào bán mặt hàng này. Bộ còn chỉ đạo quản lý thị trường xử lý nghiêm hành vi buôn bán và đã có vụ chuyển sang để điều tra.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol hoặc glycerine. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra. Loại này không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hóa chất nên không phải là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế cho thấy loại thuốc lá này gây nghiện do có chứa nicotine; gây các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, gây tổn thương phổi cấp, ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, nung nóng. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Năm 2023, hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.

Đặt vấn đề cuối phiên chất vấn ngày 4/6, ông Trần Văn Tiến, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết kết quả thực hiện mục tiêu chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Giải pháp của Bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65 % nhu cầu sản xuất nội địa?”, ông hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay khi triển khai thực hiện Quyết định 68 về hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ, Bộ này tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị, công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày và công nghệ cao.

Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, thì linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%.

Tuy vậy, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp, như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%. Nguyên nhân, theo ông Diên, do nguồn lực hỗ trợ Nhà nước hạn chế, khó tiếp cận. Chính sách thu hút FDI chưa liên kết, ràng buộc với doanh nghiệp trong nước. Cùng đó, công nghiệp cơ khí khó thu hút vì cần vốn lớn, thị trường hẹp, khả năng cạnh tranh với các đối tác phát triển khó khăn. Sự phối hợp giữa các địa phương chưa tốt, nên chính sách “có nhưng khó tiếp cận”.

Ông Diên cho rằng, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, phối hợp chặt chẽ trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

“Chúng ta cần bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ tới 2025, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại”, ông nói.

Trước khi Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời tiếp chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mời Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về quản lý Nhà nước trên không gian mạng. Ông Hùng cũng làm rõ việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên mạng.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý trên các sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận những nạn hàng giả, hàng nhái và quảng cáo sai sự thật cũng là mặt trái của công nghệ.

Cách tốt nhất là dùng công nghệ để xử lý. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đầu tư phát triển công cụ quản lý trên không gian mạng còn thiếu. Quản lý không gian mạng cần thể chế số, công cụ số và con người số tức là kỹ năng cho người dân. Sàn thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, lên tới 30% năm, trong khi thể chế số, công cụ số, và kỹ năng số đang theo sau.

“Sàn thương mại điện tử có hàng triệu sản phẩm, hàng triệu quảng cáo, nên không thể dùng sức người để quản lý mà phải dùng công nghệ”, ông Hùng nói. Với việc công nghệ số phát triển, ông Hùng cho rằng đây là cơ hội để quản lý toàn diện, giám sát, phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo các dấu hiệu bất thường.

Ông lấy ví dụ, cơ quan quản lý có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật; hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng. Nền tảng số, sàn thương mại điện tử cũng có thể phát triển AI để rà quét tài khoản, nguồn quảng cáo vi phạm.

Theo người đứng đầu ngành thông tin truyền thông, Việt Nam thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ xuất sắc có thể viết các phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông có thể giúp Bộ Công Thương quản lý môi trường số sàn thương mại điện tử. Song, ông Hùng đề nghị Quốc hội quan tâm, tăng đầu tư phát triển công nghệ số để quản lý thương mại điện tử và không gian mạng.

Bộ trưởng Hùng nói thời gian qua, dữ liệu cá nhân được thu thập và xử lý ngày càng nhiều nhưng đi kèm là nguy cơ lộ lọt thông tin, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử và nhiều ngành khác. Chính phủ đã ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định các bộ, ngành phải tự quản lý dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực của mình.

Chính phủ cũng xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng quy định đảm bảo an toàn cho hệ thống lưu trữ và an toàn dữ liệu. Thủ tướng đã chỉ đạo địa phương lập quy trình đảm bảo an toàn thông tin, trong đó thương mại điện tử là lĩnh vực quan trọng để bảo vệ người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng và gắn mác chính hiệu cho 5.000 website chính thống và công bố các trang lừa đảo. Bộ thiết kế công cụ hỗ trợ người dân kiểm tra máy tính, điện thoại có bị nhiễm mã độc không, thông tin cá nhân có bị lộ lọt, website có phải lừa đảo không.

“Bộ đã thanh tra, kiểm tra về bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử phạt doanh nghiệp vi phạm. Bộ sẽ phối hợp Bộ Công Thương để xử lý trên sàn thương mại điện tử”, ông Hùng nói.

Làm rõ thêm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói thương mại điện tử là xu thế tất yếu, sẽ thay thế dần có các chợ truyền thống trong tương lai. Ở Mỹ mô hình này tăng đến 35%, trong khi Việt Nam cũng là 25%. Tuy vậy, ông thừa nhận quy định về thương mại điện tử ở Việt Nam còn “đi sau các nước”.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Media Quốc hội

Song, Chính phủ đã nỗ lực để ban hành các văn bản quản lý nội dung này, trong đó có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và nhiều nghị định.

Ông Hà cho rằng đã có nhiều luật, nhưng quan trọng là làm sao phải có sự thống nhất trong quản lý, nhất là công tác thực thi, tích hợp các chính sách ở trong từng văn bản một cách phù hợp.

Ông Trần Hồng Hà cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế, cụ thể hóa các quy định của luật bằng các nghị định để đảm bảo quản lý chặt chẽ thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và vấn đề hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương vẫn còn 43 đại biểu chưa đặt câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi, để Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản.

Xem diễn biến chính

Xem thêm

16,839Thành viênThích
16,698Người theo dõiTheo dõi
12,898Người theo dõiĐăng Ký

Cách đồng bộ tồn kho nhiều shop chỉ trong ít phút

0
Tính năng này giúp bạn quản lý tồn kho tập trung trên Ship Xanh mà không cần phải điều chỉnh tồn kho cho từng...

Tối ưu tốc độ đóng gói đơn hàng

0
Đa số mọi người nhặt hàng đóng gói cho từng đơn hàng lẻ, nếu không đặc thù hàng cồng kềnh thì bạn đừng bao...
facebook-icon
zalo-icon
phone-icon