Ngân hàng VPbank vừa thông báo cho vay vốn thuê mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng.
Đặc biệt, ngân hàng này chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạn mức cho vay tới 70% giá trị hợp đồng, thời hạn vay tới 20 năm.
Lãi suất vay thấp nhưng tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản chưa khả quan.
BVBank công bố lãi suất vay từ 5%/năm, áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà. Biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi trong khoảng 9,5-10%/năm.
Sacombank áp dụng lãi suất cố định 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay mua, xây, sửa bất động sản. Hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần…
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank áp dụng lãi suất vay từ 5-7%/năm, tùy kỳ hạn.
Phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu cho biết, thủ tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp và dự án bất động sản vẫn khá phức tạp, với 2 bước kéo dài trung bình 2 tháng và hồ sơ đòi hỏi nhiều loại giấy tờ không cần thiết (như biên bản, nghị quyết đại hội đồng cổ đông có ghi đích danh ngân hàng cho vay vốn, dự án vay vốn, số vốn vay).
Đối với nhà đầu tư và người mua nhà ở, thì thời điểm này vẫn chưa dám vay vốn dù lãi suất thấp.
Chị Minh Hằng (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị định bán nhà chung cư khoảng 3 tỷ đồng để chuyển xuống mua nhà mặt đất. Tuy nhiên, chị Hằng ngạc nhiên khi đi tìm hiểu các loại hình nhà trong ngõ đều có giá trên 5 tỷ đồng. Như vậy, để mua được nhà, tính số tiền tiết kiệm gia đình có, chị Hằng vẫn phải vay tín dụng gần 2 tỷ đồng.
“Hiện lãi suất rất thấp, các ngân hàng không chỉ cố định 1 năm, thậm chí 2-3 năm đầu. Nhưng hiện tôi không dám mua vì giá nhà cao và số tiền vay nhiều. Nếu như thu nhập vài năm nữa có sự thay đổi khó có thể gánh lãi trong nhiều năm tiếp theo. Tôi không thể dồn hết số tiền gia đình có vào nhà ở”, chị Hằng nói.
Là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, anh Minh Quân (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không dám vay vốn tín dụng bởi trong điều kiện thị trường bất động sản Hà Nội vẫn chưa sôi động, mua đầu tư “lướt sóng” hiện giờ rất khó. Khi hết thời gian ưu đãi lãi suất, nếu chưa bán được nhà, anh sẽ phải đối mặt với nợ và lãi suất cao.
Theo Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến 28/2 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở gần 304.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng hơn 42.300 tỷ đồng. Dư nợ các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất gần 78.350 tỷ đồng. Dư nợ các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng gần 43.400 tỷ đồng. Dư nợ của các dự án nhà hàng, khách sạn 60.502 tỷ đồng. Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê hơn 121.000 tỷ đồng. Dư nợ vay mua quyền sử dụng đất gần 80.000 tỷ đồng trong khi dư nợ với đầu tư kinh doanh bất động sản khác là hơn 384.300 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng – việc giải ngân vốn tín dụng cho bất động sản còn thấp. Riêng với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện mới có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay hơn 30.000 tỷ đồng.
Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong số đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank – cho biết: “Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.
Các ngân hàng thương mại kỳ vọng tín dụng bất động sản sẽ phục hồi từ quý II năm nay. Năm 2023, tín dụng bất động sản tăng 11,81%, chiếm 21,28% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 35,38%, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.