Nga sẽ đáp trả thế nào nếu bị Ukraine tập kích bằng vũ khí phương Tây

Ukraine gần đây liên tục kêu gọi các đồng minh cho phép Kiev sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ để tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga, trong bối cảnh cục diện chiến sự đang thay đổi nhanh chóng và không tích cực với Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh việc tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga chỉ mang tính phòng thủ.

Trong những tháng qua, các nước phương Tây liên tục tranh cãi về vấn đề này, khi một số lo ngại leo thang căng thẳng với Nga, điều có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO với Moskva, thậm chí là chiến tranh hạt nhân.

Nhưng chiến dịch tấn công Kharkov của Nga dường như đã thay đổi tình thế. Nhận thấy sự bất lợi của Ukraine khi Nga tập trung quân bên kia biên giới để tấn công mà Kiev không thể làm gì, phương Tây dần nới “vòng kim cô”. Giới chức Mỹ ngày 30/5 xác nhận Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho mục đích phản công ở Kharkov. Chính phủ Đức ngày 31/5 có động thái tương tự Mỹ.

Tổng thống Zelensky nói Ukraine “đã nhận thông điệp từ phía Mỹ vào sáng sớm 31/5”, mô tả đây là “bước tiến” đáng kể trong nỗ lực bảo vệ người dân tại khu vực gần biên giới với Nga. Ông không nêu chi tiết thông điệp của Washington.

Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), cùng ngày cảnh báo Moskva sẽ triển khai biện pháp “bất đối xứng” đáp trả quyết định của Mỹ, nhưng không nêu cụ thể. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lãnh đạo chính phủ và quân đội Nga “đang thảo luận các biện pháp đối phó phù hợp”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva hôm 23/3. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva hôm 23/3. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo NATO “phải nhận thức được họ đang đùa giỡn với điều gì”. Theo ông chủ Điện Kremlin, dù Ukraine là bên khai hỏa, trách nhiệm vẫn sẽ thuộc về các nhà cung cấp vũ khí phương Tây. “Họ muốn một cuộc xung đột toàn cầu ư”, ông nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 31/5 hạ thấp lời đe dọa leo thang của Nga, cho rằng đây chỉ là nỗ lực của Moskva nhằm ngăn các thành viên NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ.

Nga đầu tháng 5 đã dọa tập kích nhằm vào các cơ sở và thiết bị quân sự của Anh ở Ukraine cũng như khu vực khác, nếu Kiev sử dụng vũ khí của London để tập kích lãnh thổ Nga. Cảnh báo được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh David Cameron ám chỉ London nên “bật đèn xanh” cho Kiev. Nga cũng có thể áp dụng biện pháp đáp trả này với vũ khí Mỹ.

Ukraine từ lâu đã tập kích sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do nước này tự sản xuất, chủ yếu là UAV, nhằm vào hạ tầng năng lượng của Moskva. Tuy nhiên, nguồn lực của Ukraine có hạn và việc sử dụng vũ khí phương Tây có thể giúp Kiev tăng nhịp độ tập kích, từ đó hạn chế Moskva phát động các đợt tấn công.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Nga sẽ đáp trả tương xứng nếu Ukraine tập kích vào hạ tầng dân sự. “An ninh Nga sẽ được đảm bảo, như Tổng thống Putin đã nói, bằng cách thiết lập vùng đệm ở Ukraine”, bà cho biết.

Ông Putin giữa tháng 3 cho rằng Moskva sẽ phải tái cân nhắc thiết lập “vùng đệm” ở Ukraine nếu phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa tập kích lãnh thổ Nga.

“Phạm vi vùng đệm còn tùy hành động của phương Tây. Nếu họ gửi cho Ukraine vũ khí tầm bắn 200-300 km hoặc 500 km, một vùng đệm rộng 500 km sẽ được thiết lập”, theo Viktor Vodolatsky, nghị sĩ Duma Quốc gia. Ông lưu ý khoảng cách giữa Kiev và Lugansk, một trong 4 vùng Nga sáp nhập vào lãnh thổ, là 482 km, do đó, thủ đô của Ukraine cũng sẽ nằm trong “vùng đệm”.

Nhưng điều đáng lo ngại hơn là thông điệp về “đòn đáp trả hạt nhân” được Nga liên tục đưa ra gần đây. Dmitry Suslov, thành viên cấp cao Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, viện nghiên cứu có trụ sở ở Moskva thường xuyên đề xuất chính sách cho Điện Kremlin, gần đây gợi ý Nga thực hiện một vụ thử hạt nhân để “thể hiện tính nghiêm túc và cho các đối thủ thấy Nga sẵn sàng leo thang”

Theo Suslov, hiệu ứng chính trị và tâm lý từ hình ảnh một đám mây hình nấm trên các kênh truyền thông thế giới sẽ nhắc nhở giới chính trị gia phương Tây về điều đã giúp ngăn xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc từ năm 1945. Đó là nỗi sợ về một cuộc chiến hạt nhân.

Điện Kremlin chưa bình luận về đề xuất từ Suslov, khẳng định chính sách hạt nhân của nước này không thay đổi. Tuy nhiên, Nga cũng đã thể hiện sự phẫn nộ trước điều mà họ cho là những động thái “ngày càng hung hăng” từ phương Tây liên quan việc vũ trang cho Kiev bằng cách tổ chức diễn tập với vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ gần biên giới Ukraine.

Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, cảnh báo sẽ coi việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tập kích lãnh thổ nước này là bước leo thang nghiêm trọng có thể vượt “lằn ranh đỏ” với Moskva.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 31/5 cho hay Nga coi tất cả vũ khí tầm xa mà Ukraine sử dụng đều được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát. “Đây không phải hỗ trợ quân sự, mà là trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại chúng tôi”, Medvedev cho hay. “Đó có thể là hành động khai chiến”.

Medvedev nhấn mạnh phương Tây sẽ phạm “sai lầm chết người” khi nghĩ rằng Nga không sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine. Ông cũng nói về khả năng tấn công các quốc gia thù địch bằng vũ khí hạt nhân chiến lược, song không nêu cụ thể là những nước nào.

“Đây không phải hăm dọa hay nói đùa. Xung đột quân sự hiện nay với phương Tây đang diễn tiến theo kịch bản tồi tệ nhất có thể”, ông nói.

Nhà phân tích quân sự Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga, cảnh báo nguy cơ Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 tái diễn. Khi đó, Liên Xô đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa Jupiter có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa tên lửa đạn đạo tới Cuba, gây ra cuộc đối đầu đẩy thế giới sát nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Để tháo gỡ ngòi nổ, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy đồng ý loại bỏ tất cả tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev làm điều tương tự ở Cuba. Khủng hoảng hạ nhiệt, song nó đã trở thành biểu tượng cho mối nguy hiểm của cuộc cạnh tranh siêu cường trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Phương Tây đang buộc chúng tôi phải đi theo hướng này”, ông Korotchenko trả lời TASS ngày 29/5. “Để đảm bảo an ninh, Nga cần phải tăng cường chuẩn bị sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân và chỉnh sửa phần nào học thuyết hạt nhân của mình”.

Binh sĩ Nga biểu diễn nạp tên lửa Iskander trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng Army-2017. Ảnh: RIA Novosti

Binh sĩ Nga biểu diễn nạp tên lửa Iskander trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng Army-2017. Ảnh: RIA Novosti

Nếu Điện Kremlin đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến lược, Nga nguy cơ khiến phương Tây tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine. Nếu tiếp tục phớt lờ những đòn tập kích của Ukraine, hạ tầng dân sự và quân sự của Nga có thể thiệt hại đáng kể.

Tuy nhiên, Seth G. Jones, lãnh đạo chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Washington, cho rằng lo ngại về khả năng leo thang hạt nhân từ Nga “đang bị thổi phồng”.

“Chưa có đòn đáp trả nào từ Nga vào những quốc gia NATO như Anh, khi Ukraine vài tuần qua dùng tên lửa London cung cấp để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga”, ông Jones nói. “Và những cảnh báo leo thang của ông Putin kể từ khi chiến sự bùng phát đều chỉ là dọa suông”.

(Theo Reuters, AFP)

Xem thêm

16,839Thành viênThích
16,698Người theo dõiTheo dõi
12,898Người theo dõiĐăng Ký

Cách đồng bộ tồn kho nhiều shop chỉ trong ít phút

0
Tính năng này giúp bạn quản lý tồn kho tập trung trên Ship Xanh mà không cần phải điều chỉnh tồn kho cho từng...

Tối ưu tốc độ đóng gói đơn hàng

0
Đa số mọi người nhặt hàng đóng gói cho từng đơn hàng lẻ, nếu không đặc thù hàng cồng kềnh thì bạn đừng bao...
facebook-icon
zalo-icon
phone-icon