Những cuộc gọi giúp tù binh Nga bớt tuyệt vọng ở Ukraine

Alexander, 26 tuổi, có rất ít lựa chọn sau khi bị bắt làm tù binh tại Ukraine. Quần áo, bữa ăn và giờ giấc của Alexander đều được nhà tù tính toán chặt chẽ. Nhưng giới chức Ukraine cho phép Alexander gọi điện về cho gia đình tại thành phố Kursk, tây nam Nga, và điều này giúp binh sĩ Nga không nghĩ quẩn.

“Có thể trò chuyện với người thân là điều rất đáng giá. Tôi đã ở tù gần một năm. Tôi đang dần mất trí”, Alexander nói với AP sau khi hoàn thành phần việc của mình tại một trại giam tù binh ở Ukraine. “Con người không phải sắt thép”.

Alexander cho biết những cuộc trò chuyện với người thân, dù ngắn và bị quản giáo Ukraine giám sát, đã đưa anh trở về từ bờ vực tuyệt vọng. Tuy nhiên, những cuộc gọi như vậy với Alexander và các tù binh Nga khác đang ngày một ít đi.

Tù binh Nga di chuyển đến nơi trú ẩn khi còi báo động vang lên tại trung tâm giam giữ tù binh chiến tranh ở vùng Lviv, Ukraine ngày 25/4. Ảnh: AP

Tù binh Nga di chuyển đến nơi trú ẩn khi còi báo động vang lên tại trung tâm giam giữ tù binh chiến tranh ở vùng Lviv, Ukraine ngày 25/4. Ảnh: AP

Nơi giam tù binh Nga cách xa tiền tuyến, nhưng vẫn bị chiến tranh ảnh hưởng. Mỗi khi còi báo động vang lên, các tù binh xếp thành hai hàng, tay chắp sau lưng, cúi đầu di chuyển xuống hầm trú ẩn cho đến khi tình hình an toàn.

Tù binh không bị thương sẽ làm những công việc được phân công. Số khác phụ trách bữa ăn. Khi đi qua quản giáo, tù binh phải để tay sau lưng. Sau khi dùng bữa, tù binh phải hô đồng thanh “cảm ơn” bằng tiếng Ukraine.

Tại trại giam này, các cuộc gọi của tù binh được thực hiện trong một căn phòng nhỏ trên tầng. Trên bàn có một cuốn sổ để tù binh ghi tên, ngày tháng cuộc gọi, địa điểm và thời gian. Các tù binh nói họ trân trọng từng cuộc trò chuyện, dù chúng ngắn ngủi và bị giám sát.

Một tù binh Nga bị thương nói ông ở trại giam từ tháng 1 và đã thực hiện hai cuộc gọi cho người thân, một cho vợ nhưng không ai nghe máy và cho con gái lớn.

Trong khi đó, tình hình của tù binh Ukraine ở Nga dường như trái ngược. Người thân của họ ở Ukraine chưa từng nhận được cuộc gọi nào từ các trại giam ở Nga. Những lá thư cũng rất hiếm hoi. Gia đình họ chỉ biết số phận những tù binh này qua lời kể của người được trả tự do trong các đợt trao đổi tù binh Nga – Ukraine.

Lần trao đổi gần nhất diễn ra ngày 8/2, mỗi bên trả tự do cho 100 tù binh. Số liệu từ chính phủ Ukraine cho biết tổng cộng 2.988 tù binh Ukraine đã được trao đổi.

Giới chức Nga và Ukraine đều không nêu tổng số tù binh họ giam giữ. Bộ Quốc phòng Nga không phản hồi đề nghị bình luận về chính sách với tù binh Ukraine hay tù binh Nga đang bị giam tại Ukraine.

Tình cảnh trái ngược của tù binh Nga và Ukraine khiến nhiều gia đình Ukraine có con em bị giam ở Nga phẫn nộ. Họ kêu gọi chính phủ Ukraine chấm dứt “đặc quyền” của tù binh Nga.

Trong vòng ba tuần từ ngày 22/3, gia đình các tù binh Ukraine đã thu thập được hơn 25.000 chữ ký vào đơn kiến nghị và gửi đến chính phủ Ukraine, buộc giới chức phải phản hồi. Họ yêu cầu chính phủ Ukraine chỉ cho phép tù binh Nga gọi điện về nhà nếu tù binh Ukraine ở Nga cũng được đối xử tương tự.

“Việc cho phép tù binh kẻ địch liên lạc với người thân nên tùy thuộc vào chính sách của Nga với những người bảo vệ quê hương của chúng ta”, đơn kiến nghị viết.

Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã bác bỏ yêu cầu này hồi cuối tháng 4, viện dẫn quy định trong Công ước Geneva. Theo Công ước, tù binh được quyền liên lạc định kỳ với gia đình bằng thư hoặc thiệp ít nhất hai lần một tháng.

Giới chức Ukraine đang cung cấp cho tù binh Nga nhiều hơn thế, với 15 phút gọi cho người thân, hy vọng phía Nga sẽ đáp lại tương tự. Họ thêm rằng chính sách của Kiev chỉ nhằm giúp bảo vệ tù binh Ukraine ở Nga. Các cuộc gọi điện còn thể hiện cho binh sĩ Nga rằng không có gì phải sợ nếu đầu hàng.

“Việc này giúp tăng số lượng tù binh Nga, từ đó lượng tù binh Ukraine bị bắt có thể được trả tự do cũng nhiều hơn”, theo thông báo từ chính phủ Ukraine.

Nhưng các gia đình cáo buộc chính phủ Ukraine đang phớt lờ nỗi đau của họ để giữ sự thoải mái cho tù binh Nga và tuyên bố sẽ khiếu nại.

Điện thoại với biểu tượng quốc huy Ukraine tại trung tâm giam giữ tù binh chiến tranh ở vùng Lviv, Ukraine ngày 25/4. Ảnh: AP

Điện thoại với biểu tượng quốc huy Ukraine tại trung tâm giam giữ tù binh chiến tranh ở vùng Lviv, Ukraine ngày 25/4. Ảnh: AP

Anastasiia Savova không biết tin tức gì về cha từ tháng 12/2022. Lần gần nhất cô nói chuyện với cha là 8 tháng trước đó. Ông và đồng đội bị bắt làm tù binh khi cố thủ tại Mariupol, thành phố cảng đông nam Ukraine bị lực lượng Nga chiếm vào tháng 5/2022.

Qua một tù binh được trả tự do, Savova biết sức khỏe của cha đang suy giảm. Cô mong muốn được nói chuyện với cha và phẫn nộ khi chính phủ Ukraine không lắng nghe gia đình các tù binh. Savova lo ngại người thân của họ sẽ mất hy vọng vào chính thời điểm họ cần điều này nhất.

“Tôi rất sợ sẽ quên mất giọng nói của cha”, Savova nói.

(Theo AP, Pravda)

Xem thêm

16,839Thành viênThích
16,698Người theo dõiTheo dõi
12,898Người theo dõiĐăng Ký
facebook-icon
zalo-icon
phone-icon