Vũ khí Mỹ khó giúp Ukraine xoay chuyển tình thế

Sau lời kêu gọi khẩn thiết từ Tổng thống Volodymyr Zelensky, Mỹ bắt đầu thay đổi quan điểm, nới lỏng lệnh cấm Kiev sử dụng vũ khí được viện trợ để tập kích mục tiêu lãnh thổ Nga.

Theo quyết định được Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 30/5, Ukraine giờ đây dùng vũ khí Mỹ để phản công, nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga đang đe dọa tỉnh đông bắc Kharkov. Tổng thống Zelensky ca ngợi đây là “bước tiến quan trọng”, sẽ giúp lực lượng Ukraine phòng thủ tốt hơn tại Kharkov.

“Binh sĩ Ukraine nhiều lần kể rằng lực lượng Nga tấn công, bị đẩy lùi rồi rút qua biên giới, về lãnh thổ Nga để tập hợp, dưỡng sức, lên kế hoạch rồi tiếp tục tấn công”, Adam Kinzinger, cựu thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và Ben Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, viết trên CNN. “Ukraine không thể thắng nếu tình trạng này tiếp diễn”.

Cục diện ở Kharkov sau khi Nga tiến công. Đồ họa: RYV

Cục diện ở Kharkov sau khi Nga tiến công. Đồ họa: RYV

Theo chính sách mới của Mỹ, Ukraine sẽ được phép khai hỏa các vũ khí như pháo phản lực HIMARS sử dụng rocket phóng loạt dẫn đường (GMLRS), tầm bắn khoảng 70 km, để tấn công đội hình quân Nga tập trung gần biên giới Kharkov. Kiev cũng có thể dùng các tổ hợp phòng không do Mỹ cung cấp, như hệ thống Patriot, bắn hạ máy bay Nga đang chuẩn bị phóng tên lửa, thả bom lượn vào tỉnh đông bắc Ukraine.

“Điều này có thể giúp ổn định tiền tuyến, tạo điều kiện để Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kharkov trước khi họ củng cố vững chắc chỗ đứng chân”, Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine ở Kiev, nói.

Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Biden sẽ giúp Ukraine không phải rút nhiều lực lượng ở vùng Donbass để tới phòng thủ tại Kharkov.

“Lực lượng Nga giờ đây sẽ gặp tình thế bất lợi hơn và phải suy nghĩ kỹ về chiến thuật mà họ từng sử dụng để tấn công Kharkov”, ông nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự không kỳ vọng việc Ukraine được “nới vòng kim cô” sẽ tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt trên chiến trường, phần nào bởi Washington vẫn giữ nguyên chính sách cấm Kiev sử dụng ATACMS, loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 300 km có thể được phóng bằng pháo HIMARS, để tập kích mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ Nga.

Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trụ sở Washington, cho rằng điều này khiến Ukraine không thể chạm tới phần lớn không gian ẩn náu, tập kết của lính Nga.

“Chính sách của Mỹ vẫn giữ cho hậu phương Nga an toàn. Những thay đổi ở khu vực Kharkov chưa đủ để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến. Ukraine đặc biệt cần năng lực tập kích sâu vào lãnh thổ Nga để loại bỏ các mối đe dọa, bởi nhiều vị trí hỗ trợ Nga tấn công Ukraine nằm ngoài tầm bắn của rocket GMLRS”, bà Stephanenko nhận định.

Franz-Stefan Gady, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) trụ sở Anh, cho rằng với rocket GMLRS, Ukraine chỉ có thể tập kích một số sở chỉ huy, đội hình Nga ở gần biên giới, khiến họ khó phát động chiến dịch vào Kharkov hơn, nhưng không thể chặn đứng đà tấn công của đối phương. Nga cũng có thể tăng cường các biện pháp tác chiến điện tử để đối phó rocket Mỹ.

“Chúng ta cần phải thực tế trong kỳ vọng từ sự thay đổi chính sách này, do lực lượng Nga đã quen đối phó các hệ thống rocket dẫn đường của Mỹ”, ông nói.

Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, đánh giá Ukraine hiện “có thể đẩy lùi các đợt tấn công của Nga một cách hiệu quả hơn”, nhưng cũng cho rằng đây không phải yếu tố thay đổi cuộc chơi.

“Nó giống như biện pháp bổ sung, chất kích thích giúp Ukraine tăng cường phòng vệ”, Boulegue nói.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyền ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

Trước khi ông Biden “bật đèn xanh” cho Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang, thậm chí là chiến tranh hạt nhân, nếu phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí được viện trợ để tập kích lãnh thổ nước này.

Tổng thống Putin ngày 28/5 đề cập “những hậu quả nghiêm trọng”, đặc biệt là “với những quốc gia nhỏ, có mật độ dân số đông” ở châu Âu, dường như đề cập đến tác động của đòn trả đũa hạt nhân. Trước đó, ông chủ Điện Kremlin lại phát tín hiệu Nga sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine.

“Những thông tin này nhằm ngăn phương Tây cho phép Ukraine tấn công phủ đầu các đợt tấn công của Nga vào Kharkov”, theo Stepanenko.

Chuyên gia này cho hay Nga từng đưa ra cảnh báo tương tự khi Anh chuyển giao tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine, nhưng cả Kiev và London đều phớt lờ thông điệp này. Ukraine sau đó nhiều lần dùng tên lửa Storm Shadow tập kích vào bán đảo Crimea hay các vùng Nga kiểm soát ở Donbass.

“Điện Kremlin coi đòn tập kích vào Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là ‘tấn công vào Nga’, nhưng thực tế cho thấy Moskva có rất ít lựa chọn để leo thang hơn nữa mà không gây ra nguy cơ lớn”, Stepanenko nói.

Tuy nhiên, Zheng Runyu, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Nga, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc, lưu ý việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa và đàm phán hòa bình là bất khả thi.

Theo Zheng, cục diện chiến trường đang có lợi cho Nga và phương Tây không muốn đàm phán hòa bình diễn ra với cán cân như vậy. Zheng cũng cho rằng động thái “bật đèn xanh” của Mỹ khó giúp Ukraine thay đổi tình hình, bởi Kiev không có đủ binh sĩ để giành ưu thế trên chiến trường.

“Việc sử dụng vũ khí phương Tây tập kích Nga mang ý nghĩa nhiều hơn về mặt tuyên truyền”, Zheng nói với TASS.

(Theo CNN, TASS)

Xem thêm

16,839Thành viênThích
16,698Người theo dõiTheo dõi
12,898Người theo dõiĐăng Ký
facebook-icon
zalo-icon
phone-icon